Những cuộc du hành Alexander_von_Humboldt

Du hành và làm việc ở châu Âu

Chân dung von Humboldt do Friedrich Georg Weitsch vẽ năm 1806

Mùa hè năm 1790 Alexander von Humboldt thực hiện một chuyến đi ngắn tới Anh cùng người bạn Forster. Trong hai năm 17921797 ông tới Viên còn năm 1795 ông thực hiện những chuyến tìm hiểu về địa chất và thực vật tại Thụy SĩÝ. Ngày 29 tháng 2 năm 1792 ông được chọn làm hội thẩm viên ở Berlin, mặc dù chỉ coi đây là công việc tạm thời trước khi thực sự tập trung vào khoa học, ông vẫn hoàn thành nó một cách xuất sắc đến nỗi nhanh chóng được thăng chức và được cử thực hiện một số nhiệm vụ ngoại giao quan trọng. Sau cái chết của người mẹ ngày 19 tháng 11 năm 1796, von Humboldt bắt đầu hoàn toàn tập trung vào những dự định khoa học và thám hiểm mà ông đã mơ ước từ lâu.

Thám hiểm Mỹ Latinh

Ban đầu Alexander von Humboldt được mời tham gia cuộc đi biển vòng quanh thế giới của thuyền trưởng Nicolas Baudin, nhưng sau khi chuyến đi này bị hoãn, ông đã rời Paris tới Marseille cùng nhà thực vật học Aimé Bonpland, với hy vọng sẽ được tham gia cuộc viễn chinh của Napoléon Bonaparte tới Ai Cập. Không có phương tiện di chuyển, hai người buộc phải tới Madrid, nơi họ gặp bộ trưởng Don Mariano Luis de Urquijo - người đã mang đến cho Alexander và Aimé cơ hội thám hiểm một vùng đất "mới", Mỹ Latinh.

Với lời giới thiệu của de Urquijo, von Humboldt và Bonpland được lên con tàu Pizarro đi tới châu Mỹ. Họ xuất phát từ cảng La Coruña ngày 5 tháng 6 năm 1799, dừng lại 6 ngày ở Tenerife để leo lên đỉnh núi lửa Teide và tới Cumaná, Venezuela ngày 16 tháng 7. von Humboldt tới thăm hội truyền giáo ở Caripe và phát hiện ra loài chim dầu (Steatornis caripensis, tên Latinh do chính von Humboldt đặt). Quay về Cumaná, trong hai đêm 11 và 12 tháng 11 năm 1799, von Humboldt đã quan sát hiện tượng kỳ thú mưa sao băng Leonids, sự kiện thiên văn đánh dấu sự hiểu biết đầu tiên của khoa học về tính chu kỳ của hiện tượng này. Tháng 2 năm 1800, sau khi cùng Bonpland tới Caracas, von Humboldt rời bờ biển với mục đích khám phá dòng chảy của con sông Orinoco. Trong chuyến du hành kéo dài 4 tháng này, ông đã đi qua gần 3000 km trải dài trên vùng đất hoang dã và không có người ở của Nam Mỹ với những khám phá khoa học quan trọng như việc tìm ra sự tồn tại của kênh Casiquiare nối sông Orinoco với sông Amazon, hay xác định chính xác vị trí rẽ nhánh của con sông. Loài cá chình điện được von Humboldt và Bonpland phát hiện ngày 19 tháng 3 năm 1800 khi hai nhà thám hiểm bị điện giật khá mạnh vì chạm vào loài sinh vật này.

Ngày 24 tháng 11, hai người bạn lại tiếp tục đi thuyền buồm tới Cuba, dừng chân tại hòn đảo này vài tháng trước khi trở về đất liền ở Cartagena, Colombia. Sau một chuyến đi mệt mỏi và khó khăn vượt qua con sông Magdalena và những đỉnh núi đóng băng của dãy Cordillera Real (Ecuador), von Humboldt và Bonpland tới Quito ngày 6 tháng 1 năm 1802. Những ngày ở lại Quito của hai người được đánh dấu bằng chuyến leo lên đỉnh hai ngọn núi lửa PichinchaChimborazo. Nhóm leo núi của von Humboldt đã chạm tới độ cao 5786 mét, một kỉ lục thế giới vào thời bấy giờ. Chuyến du hành Ecuador kết thúc với cuộc thám hiểm nguồn của con sông Amazon về phía Lima, Peru. Tại Callao, von Humboldt đã quan sát được hiện tượng Sao Kim đi qua Mặt Trời ngày 9 tháng 11, những đặc tính giống phân bón của phân chim (guano) cũng được người châu Âu biết tới lần đầu tiên nhờ những ghi chép của ông trong giai đoạn này. Sau Peru, von Humboldt và Bonpland phải trải qua một cuộc đi biển đầy sóng gió để tới México, nơi họ ở lại trong một năm, di chuyển qua nhiều thành phố trước khi tới Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Hai người trở về châu Âu trên con thuyền buồn xuất phát từ cửa sông Delaware và tới đích tại Bordeaux ngày 3 tháng 8 năm 1804.

Danh tiếng vượt trội

Chân dung tự họa năm 1814

Trong giai đoạn đầu thế kỉ 18 ở châu Âu có lẽ von Humboldt là một trong những người nổi tiếng nhất. Các viện hàn lâm, cả ở Phổ và nước ngoài đều muốn mời ông trở thành viện sĩ chính thức. Vua Friedrich Wilhelm III của Phổ thậm chí còn ban cho von Humboldt một chỗ chính thức trong nội các của Hoàng gia với mức lương 2500 thaler (sau đó tăng gấp đôi) mà gần như không phải làm gì. Ở nước Pháp von Humboldt cũng được cả giới khoa học và xã hội Paris hết sức trọng vọng tuy vậy ông vẫn quyết định về sống cố định ở Berlin từ ngày 12 tháng 5 năm 1827. Tại đây ông tiến hành các nghiên cứu về từ trường Trái Đất. Theo lời đề nghị của Alexander, chính quyền Nga đã cho xây dựng một loạt các trạm nghiên cứu từ trường và khí tượng ở Bắc Á.

Thám hiểm nước Nga

Vào các năm 18111818, von Humboldt được chính quyền Nga và sau đó là chính quyền Phổ đề nghị một chuyến thám hiểm phần lục địa châu Á của nước Nga, tuy vậy dự án này không thể thành hiện thực vì bản thân Alexander đã có quá nhiều công việc. Mãi đến năm 1829 thì Alexander von Humboldt mới thực hiện được cuộc thám hiểm này. Chuyến đi kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1829, trong đó von Humboldt cùng Gustav RoseC. G. Ehrenberg đã vượt qua quãng đường hơn 15.000 km từ sông Neva ở phía Tây đến sông Enisei ở phía Đông. Tuy nhiên chuyến đi không đạt được mục đích thám hiểm như mong muốn vì thời gian quá ngắn và bị ảnh hưởng nhiều bởi những điều kiện quá thuận lợi mà chính quyền Nga tạo cho cuộc thám hiểm. Những kết quả quan trọng của cuộc thám hiểm này là việc xác định lại độ cao của cao nguyên Trung Á và khám phá ra kim cương ở vùng đãi vàng thuộc dãy Ural.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Alexander_von_Humboldt //nla.gov.au/anbd.aut-an36059683 http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://www.avh.de/en/index.htm //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb119080343 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb119080343 //www.culture.gouv.fr/public/mistral/leonore_fr?AC... http://www.idref.fr/027399427 http://id.loc.gov/authorities/names/n80051862